Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn dự hội nghị. Ảnh Vĩnh Hà - Báo Phú Thọ.
Lễ công bố diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du và miền núi phía bắc lần thứ 3, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì.
Đoàn Tuyên Quang do đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn tham dự hội nghị. Cùng dự có đồng chí Vân Đình Thảo, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt ngày 4/5/2024, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch vùng trung du và miền núi phía bắc bao gồm toàn bộ lãnh thổ đất liền của 14 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang, Hòa Bình, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái.
Quy hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, tiệm cận với ngưỡng thu nhập cao.
Đến năm 2050, vùng trung du và miền núi phía bắc sẽ là hình mẫu phát triển xanh của cả nước, có tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7,5-8%/năm, thu nhập bình quân đầu người khoảng 15.000-18.000 USD.
Vùng trung du và miền núi phía bắc được tổ chức thành 3 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và 1 khu động lực.
Trong đó Tuyên Quang thuộc tiểu vùng trung tâm cùng với 5 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu. Theo đó, Tuyên Quang cùng với các tỉnh thuộc tiểu vùng trung tâm sẽ tập trung phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tiểu vùng và của vùng; phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn cùng đại diện 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc nhận Quyết định Quy hoach.
Ảnh Vĩnh Hà - Báo Phú Thọ.
Hành lang kinh tế Tuyên Quang - Hà Giang - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nam Trung Quốc. Kết nối các trung tâm du lịch của vùng và quốc gia, thúc đẩy phát triển ở các khu vực khó khăn và đặc biệt khoá khăn thuộc tiểu vùng trung tâm.
Về phương hướng phát triển nông nghiệp, sẽ hình thành vùng liên kết sản xuất hàng hoá chuyên canh lớn, tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, Tuyên Quang cùng với một số tỉnh trong khu vực sẽ hình thành vùng trồng cây ăn quả, cây đặc sản; vùng chè; vùng mía đường; vùng rừng nguyên liệu giấy.
Về phương hướng phát triển kết cấu hạ tầng, đến năm 2030, Tuyên Quang được ưu tiên đầu tư, mở rộng một số nhà máy thuỷ điện gồm: Yên Sơn, Sông Lô 6, Sông Lô 7; được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hế thống đê sông.
Về phát triển mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao: Bảo tồn phát huy giá trị các di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng và cải tạo các công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn về văn hoá, lịch sử của địa phương và của cả nước như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, An toàn khu Định Hoá, Thái Nguyên, Khu di tích Điện Biên Phủ…
Xác lập 60 khu bảo tồn thiên nhiên gồm: 7 vườn quốc gia, 23 khu dự trữ thiên nhiên, 7 khu bảo tồn loài sinh cảnh và 23 khu bảo vệ cảnh quan.