Giáo viên trường Tiểu học Trung Môn (Yên Sơn) sử dụng sơ đồ tư duy trong giảng dạy.
Theo báo cáo về chuyển đổi số của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay 100% cơ sở giáo dục trong tỉnh đã sử dụng phần mềm quản lý nhà trường Smas hoặc vnEdu kết nối đồng bộ lên cơ sở dữ liệu ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng bộ lên cơ sở dữ liệu ngành IOC của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Tỉnh đã trang cấp bổ sung 230 phòng học tin học với trên 500 máy vi tính mới cho các trường tiểu học, THCS, THPT; trang cấp phòng sinh hoạt chuyên môn trực tuyến, dự giờ trực tuyến cho 22 trường tiểu học; trang cấp cho trên 200 trường màn hình tương tác để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới và chuyển đổi số; Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup tài trợ 182 bộ máy vi tính cho 8 trường tiểu học, trường liên cấp Tiểu học và THCS trên địa bàn các huyện: Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn và Sơn Dương với tổng giá trị tài trợ gần 2 tỷ đồng.
Các trường học đã tổ chức kết nối, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nền tảng số như: nền tảng dạy học trực tuyến, lớp học trực tuyến, lớp học mở, trường học mở KAV trên nền tảng Khan Academy; xây dựng Kho học liệu số, phần mềm K12 online, phần mềm vnEdu Content school; phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về trường, lớp, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng vnEdu, Smas, IOC (trung tâm điều hành giáo dục), hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành; phần mềm quản lý sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, quản lý văn bằng chứng chỉ, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục; phần mềm quản lý tuyển sinh đầu cấp;...
Bên cạnh đó, các trường học cũng đã chú trọng phát triển, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (dữ liệu học sinh, nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính,…) có tính kế thừa, liên thông giữa các cấp học và với các cơ quan quản lý giáo dục để phục vụ điện tử hóa quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành đảm bảo tiện lợi, chính xác và nhanh chóng.
Những năm gần đây, trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) được coi là điểm sáng trong chuyển đổi số của ngành giáo dục.
Đồng chí Nguyễn Thị Hòa, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trong hai năm học 2022 - 2023 và 2023 - 2024 đánh dấu bước chuyển đổi số mạnh mẽ của thầy và trò trong nhà trường. Hiện nay, trong công tác quản lý và dạy học, nhà trường đều ứng dụng hiệu quả các phần mềm hỗ trợ. Nhà trường đã nâng cấp kết nối internet tốc độ cao, mua phần mềm dạy và dự giờ trực tuyến Vmeet.
Giáo viên và học sinh trường THPT Nguyễn Văn Huyên sử dụng màn hình tương tác trong dạy và học.
Nhà trường đã tổ chức hội thảo, tập huấn phát triển năng lực công nghệ số cho cán bộ, giáo viên cụ thể là về sử dụng phòng trực tuyến để dạy học và dự giờ trực tuyến, sử dụng màn hình tương tác, sử dụng phần mềm Mozabook, sử dụng hệ thống quản lý hồ sơ điện tử bằng eDOC,… giúp cán bộ, giáo viên nhà trường nắm vững các công cụ và phương pháp mới trong giảng dạy và quản lý. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên nhà trường đã sử dụng ứng dụng làm bài tập trực tuyến trên K12 Online, sử dụng nền tảng Khan Academy để khai thác câu hỏi trong dạy học môn Toán… Từ năm học 2023 - 2024, nhà trường cũng sử dụng phần mềm quản lý thư viện để học sinh thuận tiện trong việc đọc sách trực tuyến cũng như nhà trường thuận tiện trong quản lý việc mượn, trả sách.
Cô giáo Nguyễn Thu Thủy, giáo viên Tin học của nhà trường cho biết, chuyển đổi số tuy làm cho đội ngũ giáo viên phải tìm tòi, nghiên cứu và tự học nhiều hơn song việc ứng dụng chuyển đổi số cũng nâng cao rất rõ rệt chất lượng công tác dạy và học, làm cho mỗi tiết học thêm sinh động, hấp dẫn đối với học sinh, phát huy được tính sáng tạo của học sinh.
Tại trường Tiểu học Trung Môn (Yên Sơn) chuyển đổi số không còn là khái niệm chung chung mà đã đi vào từng nhiệm vụ cụ thể, từng tiết giảng dạy của giáo viên và học sinh. Đây là ngôi trường có tỷ lệ học sinh ứng dụng các phần mềm để học trực tuyến cao nhất của huyện Yên Sơn.
Đồng chí Nghiên Lan Thanh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong công tác quản lý, cán bộ nhà trường ký duyệt trên nền tảng số, duyệt hồ sơ, giáo án các tổ chuyên môn cũng đều trên nền tảng số. Đối với công tác giảng dạy, phần lớn giáo viên sử dụng phần mềm Khan Academy, sơ đồ tư duy, phần mềm “5 phút thuộc bài - Tâm Trí Lực”…
goài ra, mỗi năm học, nhà trường phát động phong trào mỗi giáo viên tự tạo 2 học liệu số để đưa lên kho dữ liệu số của nhà trường và của ngành để phục vụ cho các giáo viên khác trong khai thác tư liệu số dạy học. Từ năm học 2023 - 2024, nhà trường xây dựng cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đối số của giáo viên, phân công người thực hiện, nhiệm vụ cụ thể. Trong năm học, nhà trường thường xuyên theo dõi và cuối năm có tổ chức đánh giá.
Theo đồng chí Nghiên Lan Thanh, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, chuyển đổi số ở nhà trường bước đầu còn hạn chế do cơ sở vật chất còn thiếu thốn và năng lực ứng dụng chuyển đổi số của một số giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức được những hạn chế này, cán bộ, giáo viên nhà trường đã tích cực hỗ trợ nhau, giao việc cụ thể. Do đó, những khó khăn trên đã từng bước được khắc phục. Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý và dạy học của nhà trường đã giúp công tác quản lý được chặt chẽ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp và công tác giảng dạy được đổi mới, khơi dậy được tinh thần chủ động, sáng tạo của cả giáo viên và học sinh.
Trên cơ sở nỗ lực của các thầy cô, học sinh cùng với sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang bị kỹ năng, phương pháp của tỉnh, của ngành, chuyển đổi số ở các trường học đang được giáo viên và học sinh tích cực hưởng ứng, tạo ra những chuyển biến rõ nét về chất lượng dạy và học.