Phấn đấu xây dựng Danh thắng Quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia.
Nhiệm kỳ này, tỉnh tập trung mạnh vào nhiệm vụ quy hoạch các khu, điểm du lịch, bám sát Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Những quy hoạch sát thực tế và có chất lượng cao, là căn cứ cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nguồn lực đầu tư và xây dựng sản phẩm du lịch.
Quy hoạch sớm, trúng và đúng
Căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh du lịch trên địa bàn, trong năm qua tỉnh Tuyên Quang luôn đưa ra những quy hoạch lớn, táo bạo cho phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, XVI, XVII đã xác định phát triển du lịch là một trong những lĩnh vực đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngay sau Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 16/6/2021 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2030; Đề án đổi mới tổ chức Lễ hội Thành Tuyên giai đoạn 2023 - 2025 và Kế hoạch phát triển du lịch hằng năm nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nhiều nghị quyết quan trọng phát triển du lịch, trong đó tiêu biểu có Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày 20/12/2021 Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Tuyên Quang xác định quy hoạch du lịch của địa phương phải phù hợp với quy hoạch chung kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch vùng và quốc gia. Tỉnh triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy hoạch đến năm 2025, khu du lịch Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí của Khu du lịch quốc gia; phấn đấu đến năm 2030, khu du lịch Tân Trào trở thành khu du lịch quốc gia với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, sức cạnh tranh và trở thành một trong những trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng hàng đầu của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Khu vực phát triển khu du lịch quốc gia Tân Trào thuộc phạm vi hành chính của 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Diện tích vùng lõi tập trung phát triển khu du lịch quốc gia là 2.500 ha thuộc vùng bảo vệ cảnh quan di tích.
Ngoài ra tỉnh còn triển khai Quy hoạch xây dựng vùng chiến khu cách mạng ATK liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 17/3/2016. Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vùng quy hoạch ATK có quy mô diện tích khoảng 5.692 km2, bao gồm 8 đơn vị hành chính cấp huyện: Định Hóa, Đại Từ và Phú Lương của tỉnh Thái Nguyên; các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa và thành phố Tuyên Quang của tỉnh Tuyên Quang; huyện Chợ Đồn của tỉnh Bắc Kạn.
Bên cạnh đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nêu bật tập trung xây dựng và cải tạo các công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn về văn hóa, lịch sử của địa phương và của cả nước như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Tuyên Quang), An toàn khu Định Hóa (Thái Nguyên), Khu di tích Điện Biên Phủ (Điện Biên). Trong đó Tuyên Quang thuộc tiểu vùng trung tâm cùng với 5 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu sẽ tập trung phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn của tiểu vùng và của vùng. Hành lang kinh tế Tuyên Quang - Hà Giang - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nam Trung Quốc…
Lộ diện cốt lõi du lịch của tỉnh
Về chủ trương, đường lối, chính sách, quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh là rất rõ. Các quy hoạch của tỉnh, quy hoạch vùng và quốc gia đều chỉ ra Tuyên Quang có nhiều tiềm năng lớn về du lịch, cơ sở để phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, tỉnh đang tập trung nguồn lực quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cơ bản đáp ứng các tiêu chí Khu du lịch quốc gia trong thời gian tới; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm là khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; xây dựng, phát triển Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có, mang thương hiệu cấp quốc gia; danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình là trung tâm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia…
Theo ông Sơn, quy hoạch du lịch sẽ làm cơ sở định hướng phát triển du lịch cho các vùng, địa phương, phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội tỉnh, quốc gia. Quy hoạch góp phần khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch. Bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng trong cả nước. Tăng cường sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư và cá nhân trong quá trình lập quy hoạch; kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của cộng đồng, giữa lợi ích của vùng và địa phương. Nâng cao tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quá trình lập quy hoạch du lịch; đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn và phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Thực hiện mục tiêu của quy hoạch du lịch, tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, giúp tốc độ tăng trưởng du lịch khá, lượt khách đến Tuyên Quang năm 2023 đạt trên 2,6 triệu lượt. Địa phương đã hình thành một số khu, điểm, sản phẩm, dịch vụ du lịch nổi trội, đặc trưng, hấp dẫn. Bên cạnh những mặt thuật lợi, thời gian qua du lịch của tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và hậu quả của cơn bão Yagi gây ra. Tuy nhiên với chiến lược trung và dài hạn, du lịch Tuyên Quang vẫn đang đi đúng hướng.
Bài, ảnh: Quang Hòa Báo Tuyên Quang.
(Còn nữa)