Nghệ nhân với văn hóa truyền thống

20/04/2024 - 20:55
703

Tuyên Quang vùng đất sơn thủy hữu tình, giàu bản sắc dân tộc. Mỗi tên đất tên làng đều chứa đựng giá trị văn hóa giàu truyền thống. Và người giữ mạch ...

Vai trò của nghệ nhân

Ông Nguyễn Phi Khanh, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Tuyên Quang khẳng định, ở đâu có nghệ nhân ở đó văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát triển tốt. Các xã có phong trào mạnh như Tân An, Xuân Quang (Chiêm Hóa); Thanh Tương, Năng Khả (Na Hang); Đại Phú, Ninh Lai (Sơn Dương); Tân Thành (Hàm Yên); Đội Bình, Trung Minh (Yên Sơn) đều có hạt nhân là các nghệ nhân. Họ có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Họ là minh chứng sinh động, thuyết phục về khát vọng cống hiến và tinh thần lao động không mệt mỏi để tạo ra những giá trị, tác phẩm đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Nghệ nhân nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa) truyền dạy Then cho lớp trẻ.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, khi về hưu ông tập trung nghiên cứu và viết sách. Ông cho rằng trung tâm của bảo tồn văn hóa chính là việc bảo tồn các nghệ nhân. Nếu không có bóng dáng các nghệ nhân thì văn hóa dân tộc có nguy cơ mai một. Nên hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn mời các nghệ nhân đi giao lưu, biểu diễn, truyền dạy văn hóa cho thế hệ trẻ. Ngoài ra họ còn làm chủ nhiệm hay cố vấn cho các  câu lạc bộ, đội trưởng văn nghệ ở cơ sở. Nghệ nhân còn tham gia sưu tầm, dịch thuật, sáng tác, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đến công chúng, nhà quản lý, khoa học.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Trần Hải Quang đánh giá cao vai trò của các nghệ nhân trong cộng đồng. Chính họ đã truyền lửa cho giới trẻ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa hồn cốt của từng dân tộc. Hiện nay, cùng với giải pháp truyền nghề của các nghệ nhân, thì việc số hóa các di sản này cũng là giải pháp quan trọng để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. 

Người truyền lửa

Ngược Chiêm Hóa vùng quê giàu bản sắc dân tộc Tày chúng tôi tìm đến nhà Nghệ nhân nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An. Ông vẫn ở trong ngôi nhà sàn truyền thống, quây quần bên con cháu. Năm nay ở cái tuổi 82 ông vẫn say sưa hát Then, chơi đàn Tính. Ông bảo đến với Then chính từ tình yêu và truyền thống gia đình. Nếu để Then mai một thì mình có tội với các thế hệ cha ông. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ông hiểu hội nhập và phát triển kinh tế thị trường sẽ có tác động nhiều đến văn hóa. Theo ông nếu mình không giữ được thì mình bị đồng hóa, biến dị, lai căng. Buồn nhất là lớp trẻ không ngó lơ gì đến văn hóa dân tộc, chỉ mải đi làm kiếm tiền. Thấy vậy vào các buổi tối cuối tuần, ông Thuấn tập hợp những người yêu thích Then trong thôn cùng vui chơi ca hát. Họ truyền cho nhau những làn điệu hay, tiếng đàn trong trẻo. Từ một đốm lửa nhỏ nghệ nhân Hà Thuấn đã thuyết phục gia đình, con cháu, làng xóm cùng chơi Then. Rồi sức ảnh hưởng của ông lan ra cả vùng, ảnh hưởng tới phong trào của xã, huyện, tỉnh. Ông quảng bá Then cổ, Then mới tới công chúng trong và ngoài tỉnh, tham dự hội thi, liên hoan, hội diễn khu vực, toàn quốc đều giành giải cao. Quan niệm của ông  giữ gìn và quảng bá Then tốt nhất vẫn là biết truyền lửa đam mê cho giới trẻ.

Người được phong Nghệ nhân Nhân dân thứ hai ở Tuyên Quang chính là Nghệ nhân Nhân dân Sầm Văn Dừn, xã Đại Phú (Sơn Dương). Ông Dừn tâm sự, rất phấn khởi khi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý. Điều đó cho thấy trách nhiệm trên vai ông sẽ ngày càng cao hơn. Ông Dừn cho biết, Tuyên Quang là tỉnh có đông đồng bào Cao Lan nhất cả nước. Bản sắc người Cao Lan có làn điệu Sình ca, các điệu múa dân gian, nhạc cụ trống sành. Nhưng hiện nay nhiều khu dân cư có đông người Cao Lan sinh sống văn hóa bị mai một nhiều. Như kiến trúc nhà sàn, trang phục, phong tục, tập quán, nhạc cụ, làn điệu dân ca, dân vũ. Điều đó làm ông Dừn thấy buồn. Ông quyết tâm phải làm một điều gì đó để chuyển biến điều này. Trước tiên thuyết phục con cháu, anh em họ hàng cùng luyện tập Sình ca, thành lập tổ đội văn nghệ gia đình. Giờ con trai ông có thể đứng lên thay cha tập hợp được các hạt nhân văn nghệ trong vùng. Cách làm của ông được chính quyền địa phương, nhân dân ghi nhận và ủng hộ. Vào những lúc rỗi ông lại truyền dạy các điệu múa khai quang, xúc tép, chim gâu cho lớp trẻ. Hình ảnh của ông Dừn vì thế có sức lan tỏa ghê gớm, ông đi tới đâu phong trào mạnh tới đó.

Nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy, dân tộc Sán Dìu, xã Ninh Lai hướng dẫn các cháu học sinh trên địa bàn hát Soọng cô.

Tiên phong trong “phục hưng” văn hóa  dân tộc Sán Dìu ở xã Ninh Lai chính là Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, Nghệ nhân Ưu tú Đỗ Thị Man, Nghệ nhân Dân gian Lục Thị Tư. Ở một xã mà có 3 nghệ nhân được Chủ tịch nước, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu, ghi nhận những thành tích cho cộng đồng mới thấy sự nhiệt huyết, trách nhiệm của con người nơi đây.

Tại nhà Nghệ nhân Ưu tú Lục Văn Bảy, thôn Ninh Phú, xã Ninh Lai không gian văn hóa người Sán Dìu vẫn được bảo tồn. Ông Bảy cho biết, giờ có nhiều nhà xây, nhưng ông vẫn quyết giữ ngôi nhà cột gỗ, lợp ngói với hàng chân cột trước hiên theo truyền thống của người Sán Dìu. Trong nhà hoành phi, câu đối, sập, tủ, bàn ghế theo đúng lối xưa. Tại chiếc sập trang trọng giữa gian chính của nhà, năm 2004 ông Bảy ra tay thành lập Câu lạc bộ hát Soọng cô xã Ninh Lai với 35 thành viên. Vào những ngày cuối tuần, mọi người từ các thôn đổ về nhà ông để học hát. Tới nay số hội viên đã lên tới con số 120 người, chủ yếu truyền dạy cho giới trẻ.

Một thực tế là ngày nay nhiều thanh niên dân tộc Sán Dìu không biết hát Soọng cô. Nguyên nhân chủ yếu trên lớp học, ở nhà, đi làm đều nói tiếng phổ thông. Nếu lớp trẻ không thực hành tiếng Sán Dìu thường xuyên, nguy cơ mất dần tiếng mẹ đẻ càng lớn dần. Theo Nghệ nhân Dân gian Lục Thị Tư thôn Ninh Lai, ai muốn hát Soọng cô thì bắt buộc phải biết tiếng dân tộc Sán Dìu. Trước những thách thức như vậy, chị bàn rất kỹ với ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Soọng cô xã Ninh Lai quyết tâm rà soát, tuyển chọn các cháu trong độ tuổi mở lớp dạy tiếng Sán Dìu. Kết quả qua một thời gian kiên trì đào tạo các cháu trong lớp học đều nói thông thạo tiếng Sán Dìu.

Ở thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú (Na Hang) ai cũng ngưỡng mộ tên tuổi của Nghệ nhân Ưu tú Bàn Kim Sơn, dân tộc Dao Đỏ. Ông Sơn vừa là thầy cúng giỏi vừa là người tâm huyết bảo tồn, phát huy văn hóa Dao. Ông bảo: “Người Dao không thể bỏ được văn hóa của mình. Vì văn hóa Dao liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng tổ tông, thần linh. Ví dụ như nghi lễ cấp sắc chẳng hạn. Nếu làm được lễ này đòi hỏi người được làm lễ phải có trang phục dân tộc Dao. Mà trang phục Dao có linh thiêng hay không là do gia chủ có thành tâm tự thêu thùa, dệt vải hay không. Cơ bản người Dao trọng văn hóa truyền thống, tuy nhiên có thể cách làm mỗi nơi một khác. Có nơi làm chưa đúng nên chưa phát huy tính quảng bá, tính đại chúng của văn hóa Dao. Tôi vẫn bảo đội văn nghệ của xã, thôn nếu đi công diễn phải mang được nét đặc sắc, tinh túy của người Dao như lễ cấp sắc, lễ cưới, hát Páo dung, tinh hoa nghề thêu”.

Theo Báo Tuyên Quang

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Bà Âu Thị Mai - Giám đốc sở
Trụ sở: Số 157, đường 17/8, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 822 683; Email: vanhoattdl@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp trên mạng số 85/GP-TTĐT do Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 14/10/2021

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang