Ném còn mang theo ước vọng về mùa màng bội thu.
Theo quan niệm của người dân nơi đây, quả còn tượng trưng cho hồn núi, hồn sông, hồn đất và hồn nước. Chính vì vậy quả còn bao giờ cũng làm bằng vải màu đỏ, màu đen, màu xanh và màu trắng. Ngay từ trước lễ hội ném còn, các cô gái khéo tay đã chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ, sặc sỡ được ghép nối với nhau. Bên trong quả còn, họ nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người, còn bông cho sợi vải. Thường quả còn chỉ có khoảng 4 - 8 múi, nhưng với người khéo tay, họ có thể may quả còn với 12 múi gồm 12 màu. Họ còn may thêm các tua vải nhiều màu sắc trang trí và giúp định hướng quả còn khi bay. Các tua rua này còn biểu trưng cho những tia nắng, tia mưa cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.
Cây còn được làm từ thân cây tre mai có chiều cao khoảng 20 m -30 m, tùy theo lựa chọn của người dân. Ngọn cây còn được uốn thành hình vòng cung có dán giấy đỏ, hồng tâm để người dân có thể tung còn vào vòng tròn đó. Đồng bào Tày, Nùng quan niệm, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng).
Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn. Người tung quả còn bay cao mang đi cái rủi ro, đau ốm, cái úa vàng héo hon của cây trái. Sau khi lên trời quả còn rơi xuống, người đón còn đón lấy cái may mắn, tốt đẹp, xanh tươi về cái phúc, lộc, thọ cho một năm mới thịnh vượng. Chính vì thế khi ném còn, người ném cố tung cao để vượt qua vòng tròn tượng trưng cho mặt trời xua đi mọi điều bất hạnh và người đón còn thế nào cho khéo không để còn rơi xuống đất. Người tung, người bắt rồi tung trở lại, ai cũng được tung và ai cũng được bắt, quả còn phơi phới trên trời cao, bay đi, bay lại như rồng uốn, lượn quanh, một vũ điệu tươi vui tràn đầy hạnh phúc ấm no.
Với người Tày, Nùng, trò chơi ném còn mang ý nghĩa cầu mùa. Nếu ném trúng vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm, dương giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu.