Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành,; thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Chuyển đổi số phải lấy người dân làm trung tâm
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, xu thế chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, đồng thời là vấn đề liên quan đến toàn cầu, toàn diện, toàn dân, trong đó người dân là trung tâm của của chuyển đổi số. Việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến phải được nâng cao hiệu quả thông qua chuyển đổi số.
Đồng chí Hoàng Việt Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Trong thời gian qua, chuyển đổi số đã có những bước phát triển mạnh mẽ, sức ảnh hưởng của chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, gõ từng nhà, từng đối tượng”. Tư duy, hành động thói quen cơ quan hành chính các cấp đã có sự thay đổi, từng bước xóa bỏ cách làm trên giấy tờ truyền thống. Đã có nhiều bộ ngành, địa phương có các làm hay, sáng tạo trong chuyển đổi số, triển khai hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.
Tuy nhiên bên cạnh đó, nhận thức chung của lãnh đạo về chuyển đổi số vẫn cón có nơi, có lúc chưa đạt đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hạ tầng cho chuyển đổi số vẫn còn hạn chế, thiếu đồng bộ nhất là đối với vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, hiệu quả dịch vụ công trực tuyến ở địa phương chưa đạt theo kỳ vọng, đến nay tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến mới đạt 17,9%. Việc xây dựng thể chế để phát huy nguồn lực tư duy, đổi mới, huy động sức mạnh tổng hợp của người dân và doanh nghiệp vẫn còn thiếu đồng bộ. Để thực hiện thắng lợi công cuộc chuyển đổi số, phát triển sản phẩm công nghệ số có sức vươn ra toàn cầu, Thủ tướng Chính phủ cho rằng phải kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần quyết tâm chính trị cao
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương, bên cạnh những đơn vị đạt kết quả cao, vẫn còn nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, đặc biệt là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%. Mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70% trong thời gian tới.
Lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị.
Đến thời điểm hiện tại, Tuyên Quang cung cấp 1.865 TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Số lượng hồ sơ thực hiện DVCTT toàn trình là: 44.092 hồ sơ, đạt 31,4%; số lượng hồ sơ thực hiện DVCTT một phần là 96.231 hồ sơ, đạt 68,54%.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trình bày các tham luận, trao đổi, chia sẻ những cách làm hay, những yêu cầu thực tiễn, vướng mắc, khó khăn trong công tác cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong đó giải pháp hàng đầu là phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ có liên quan đến giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử.
Đại biểu đề nghị các bộ, ngành Trung ương cần phối hợp chặt chẽ, hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu; khẩn trương công bố các nhóm TTHC liên thông để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện...
Phát biểu kết luận hội nghi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc cung cấp hồ sơ trực tuyến được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm và tạo cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý đầy đủ, bài bản, nếp nang, khoa học. Riêng Chính phủ ban hành 6 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 9 Quyết định để chỉ đạo về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: môi trường hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách còn có những hạn chế; cải cách TTHC còn chậm, rườm rà; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa thực sự rõ nét...
Để khai thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến đòi hỏi phải có hành động phải quyết liệt, tinh thần chỉ có bàn làm không bàn lùi, đã cam kết là phải thực hiện. Cùng với đó phải thực hiên nghiêm kỷ luật hành chính.
Công tác cải cách TTHC phải dựa trên 2 trụ cột chính đó là: kiên quyết cắt giảm TTHC nội bộ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Cải cách TTHC cần phải hướng tới không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc, không để ai bỏ lại phía sau. Để thực hiện hiệu quả phải: tăng cường phân cấp phân quyền; tăng cường công khai minh bạch, tăng cường kết nối chia sẻ dữ liệu;.tăng cường nâng cao kỹ năng số, nhân lực.
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần phải tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ công trực tuyến; rà soát đánh giá lại các nội dung về dịch vụ công trực truyến để có giải pháp bài bản, khoa học hơn để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 100% TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; nâng cao chất lượng trung tâm dịch vụ hành chính công, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đặc biệt là đối tượng yếu thế; tiếp tục nâng cấp hoàn thiện Cổng dịch vụ công hành chính các cấp đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong công tác chuyển đổi số là phải có quyết tâm chính trị cao, tất cả phải vì mục tiêu nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Người đứng đầu các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhân thức, gương mẫu đi đầu tăng cường chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện; có phương pháp, cách làm hay trong chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Theo Báo Tuyên Quang