Từ gương sáng gia đình văn hóa...
Ở thôn Phai Khằn, xã Đà Vị (Na Hang), mọi người đều biết tới gia đình ông Hoàng Quang Tưởng, “tổ ấm” có 3 thế hệ chung sống vui vẻ, chan hòa, các thành viên là những nhân tố năng nổ với công tác xã hội, phong trào văn hóa ở khu dân cư.
Khi được hỏi về bí quyết của gia đình, ông Tưởng vui vẻ chia sẻ, để gia đình luôn có tiếng cười vui vẻ, hạnh phúc thì ông bà, cha mẹ luôn gương mẫu, lắng nghe và động viên con trẻ. Ngược lại, anh em, con cháu trong nhà luôn yêu thương, biết nghĩ cho nhau. Gia đình 3 thế hệ, 6 thành viên với cách nghĩ, cách sống khác nhau, đặc thù công việc cũng khác nhau song mọi người luôn tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ cũng như cổ vũ, khích lệ mọi người tham gia các hoạt động xã hội, từ phong trào văn hóa - văn nghệ, vệ sinh cảnh quan, môi trường… đến tham gia công tác hòa giải, đóng góp cho phong trào phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các gia đình văn hóa nhiều thế hệ tiêu biểu. Ảnh: Thanh phúc
Tương tự, gia đình chị Trần Thị Kim Anh, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) là tấm gương sáng trong cộng đồng dân cư nhờ gia đình hạnh phúc, thuận hòa, con cái có sự nghiệp vững chắc và cháu chắt học hành tấn tới. Gia đình chị Anh còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, gìn giữ vệ sinh môi trường, trang trí hoa cây cảnh trên các tuyến phố...
Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các gia đình văn hoá tiêu biểu.
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình chị còn năng nổ với hoạt động quyên góp, ủng hộ kinh phí, nhu yếu phẩm cho người nhiễm Covid-19 hay những gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ủng hộ các loại quỹ do địa phương phát động như: Quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Chăm sóc người cao tuổi”... Ngoài việc gương mẫu tham gia các hoạt động, các thành viên của gia đình chị Anh còn tích cực vận động người dân trong xóm, tổ dân phố và đồng nghiệp tham gia hoạt động ý nghĩa này.
...đến chung tay vun đắp văn hóa cộng đồng
Trong cuộc sống hiện đại, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng, trở thành thước đo sự ổn định và phát triển của xã hội. Bởi vậy, khi xã hội càng phát triển thì càng đòi hỏi việc thiết lập và duy trì các mối quan hệ hài hòa trong gia đình. Việc giáo dục nếp sống văn hóa trong gia đình từ các hoạt động hàng ngày, như giao tiếp, ứng xử, ăn mặc, sinh hoạt, vui chơi, giải trí... cũng được đề cao hơn bao giờ hết. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, để giữ gìn và xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phù hợp với thuần phong mỹ tục của từng địa phương, từng dân tộc. Cụ thể, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng; kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, tổ chức xã hội và gia đình về phòng, chống bạo lực gia đình, triển khai thực hiện các mô hình, câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau... lồng ghép với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Ba thế hệ gia đình ông Vương Văn Kính, thôn Bản Thác, xã Yên Hoa (Na Hang) luôn sống chan hòa, vui vẻ.
Nhờ đó, tỷ lệ gia đình văn hóa không ngừng tăng lên hàng năm. Đến nay, toàn tỉnh có 195.374/209.940 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 93,1%, tăng 5,4% so với năm 2017; thôn, khu dân cư văn hóa đạt tỷ lệ 96,7%, tăng 20,1% so với năm 2017.
Thực tế cũng cho thấy, ở các địa phương ngày càng xuất hiện nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu, có lối sống đẹp và tích cực đóng góp cho cộng đồng. Có thể kể đến gia đình ông Đặng Ngọc Định, thôn Khuôn Hang, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa), bà Nguyễn Thị Hòa, thôn Quang, xã Phù Lưu (Hàm Yên), bà Trần Thị Thanh Tâm, thôn Gành Nà, xã Công Đa (Yên Sơn)... là các gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống thuận hòa, hạnh phúc luôn dành nhiều tâm huyết cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, làm kinh tế giỏi, tạo việc làm cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn…
Là một trong những địa phương được đánh giá đi đầu trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh, huyện Chiêm Hóa đã chủ động triển khai những cách làm mới, bài bản, chặt chẽ trong bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Đồng thời, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng, giữ gìn nếp sống văn hóa trong gia đình thông qua các cuộc vận động, phong trào với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tuyên truyền qua các cuộc họp thôn, các hội nghị; tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng khu dân cư 3 không (khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội... Từ đó, xuất hiện nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu là những tấm gương sáng trong nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, toàn huyện có 29.012 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 87,9%, thôn, khu dân cư văn hóa đạt tỷ lệ 70%, có 807 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học tiêu biểu.
Để từng gia đình là hạt nhân tốt của xã hội, bên cạnh sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức xã hội, vai trò của từng gia đình và các thành viên trong gia đình là hết sức quan trọng và có tính quyết định.
Một số gia đình văn hóa nhiều thế hệ tiêu biểu Sáng 27-6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt tuyên dương Gia đình văn hóa ba thế hệ tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang năm 2023. Nhân dịp này UBND tỉnh đã tặng bằng khen cho 157 gia đình đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 - 2022. Báo Tuyên Quang giới thiệu một số gia đình tiêu biểu. Gia đình bà Hoàng Thị Thúy Nga, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang). Gia đình ông Dương Trung Quý, thôn Nhật Tân, xã Thiện kế (Sơn Dương). Gia đình ông Bàn Thừa Hưng, xã Năng Khả (Na Hang). Gia đình ông Hoàng Ngọc Chỉ, tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can, (Lâm Bình).
|