Câu chuyện từ hồ Na Hang
Tôi bắt chuyện với bác lái tàu có cái tên dễ nhớ là Nông Văn Bộp:
- Tuần vừa rồi có đông khách không bác?
- Khách đến đông, phục vụ không xuể. Thời buổi thông tin mạng phát triển, sóng điện thoại giờ đã phủ hết cả lòng hồ rồi, cứ đưa lên mạng là khách gọi điện trực tiếp cho nhà tàu, đặt ăn, đặt tàu, lịch chuyến này chuyến kia rất thuận tiện…Vùng này đang phát triển mạnh, có mấy gia đình cũng đang vay vốn đóng du thuyền kia kìa.
Tôi tỏ vẻ đắc ý:
- Thì thời buổi cả nước chuyển đổi số, giữa núi rừng hẻo lánh mà bây giờ đâu đâu du khách cũng đều biết tìm đến, đấy là nhờ có công nghệ thông tin, nhờ chuyển đổi số đấy bác ơi…
Bác lái tàu cười vui:
- Chuyển đổi số ở đâu chứ cái SỐ tôi thì chả chuyển được, đời tôi nó gắn với cái nghề này rồi…
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Du lịch Ba Bể, Bắc Kạn và lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Tuyên Quang khảo sát lòng hồ thủy điện Tuyên Quang để liên kết phát triển du lịch.
Câu chuyện với bác lái tàu gợi cho tôi những suy nghĩ về quá trình chuyển đổi số ở nước ta. Hóa ra còn có rất nhiều người vẫn có suy nghĩ giống như bác lái tàu. Những người lao động luôn nghĩ: chuyển đổi số là điều gì đó rất to lớn, không liên quan và không dành cho mình. Họ đâu biết rằng thế giới đã và đang bước sang thời kỳ của công nghệ số, thông tin và truyền thông tương tác đang thực sự tác động đến nền kinh tế và tác động đến cuộc sống từng người, từng gia đình.
Một quá trình chuyển đổi cách nghĩ
Từ năm 2016, chúng tôi tham gia một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước về quản lý truyền thông trong bối cảnh phát triển xã hội thông tin ở Việt Nam. Ở Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, chúng tôi đã tổ chức một buổi tọa đàm với các nhà quản lý truyền thông nước bạn và nhận được khá nhiều thông tin bổ ích về câu chuyện Thái Lan chuyển đổi số. Một đại biểu Thái Lan cho biết: Một người nông dân trồng rau ở một vùng quê hẻo lánh của Thái Lan có thể chuyển rau quả đến bán ở các siêu thị lớn nhờ chuyển đổi số. Những thông tin về các tiêu chí của rau quả từ trang trại chỉ cần thông qua một cú “tít” mã QR của điện thoại di động kết nối mạng là người dùng biết được toàn bộ lý lịch lô rau quả và lịch trình chăm bón.
Người tiêu dùng có thể kiểm tra và tin tưởng được quá trình sản xuất của người nông dân đó, nên rau quả ở vùng hẻo lánh giờ đến được mọi nơi trong thành phố và có thể xuất khẩu ra nước ngoài. Tất cả đều được quản lý từ Bộ Kinh tế số của Nhà nước Thái Lan. Thông tin minh bạch và kết nối mạng đã cho phép người nông dân Thái Lan dễ dàng tiêu thụ sản phẩm và làm tăng giá trị của rau quả khi bán ra thị trường.
Ở Việt Nam, nhất là vùng nông thôn, miền núi, quá trình chuyển đổi số thường diễn biến chậm. Lực cản lớn nhất là do nhận thức. Từ các cán bộ, công chức trong hệ thống chính quyền đến người dân, suy nghĩ thường trực về việc chuyển đổi số là một điều gì đó to tát, quá sức và khó, không thể làm được, vì thiếu kinh phí. Ở một số nơi, cán bộ triển khai vừa hô hào, vừa nghe ngóng, làm cầm chừng vì sợ sai. Chính tư duy ngại đổi mới đã khiến cho công cuộc chuyển đổi số ở một số nơi triển khai chậm, kém hiệu quả.
Thách thức từ tư duy chuyển đổi số
Nó chính là câu chuyện của người nông dân Thái Lan năm 2016 và người lái tàu du lịch trên hồ Na Hang - Tuyên Quang năm 2023 này. Đó chính là thách thức về việc phải trang bị kiến thức để góp phần thay đổi cách nghĩ cho những người nông dân về chuyển đổi số, kinh tế số.
Ảnh minh họa.
Ở đây, nó chính là quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, thành tựu của cuộc cách mạng số hóa trọng mọi lĩnh vực.
Chiếc điện thoại thông minh nay đã có thể kết nối vạn vật nhờ có internet. Sự phát triển đột phá của công nghệ đã cho phép chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện mà trước kia không thể làm được. Những người nông dân ngày nay đã bắt đầu hiểu và làm quen với Internet vạn vật kết nối hệ thống các thiết bị, đã hiểu về dữ liệu lớn (big data), về điện toán đám mây, về chuỗi khối liên kết các dữ liệu bảo đảm sự tin cậy và minh bạch trong môi trường số…
Giờ đây, trên mọi miền đất nước, người dân đã thành công dân số. Chúng ta xây dựng môi trường văn hóa số với những ứng xử tôn trọng luật pháp và văn hóa, văn minh khi tham gia mạng xã hội. Chúng ta thu được những lợi ích cho gia đình và bản thân từ kinh tế số… Một xã hội số đã và đang hình thành, tạo một môi trường sống rộng lớn, giao tiếp rộng lớn phá bỏ nhiều ranh giới để tăng cường sự hiểu biết của người dân. Chính phủ luôn lấy người dân làm trung tâm trong chuyển đổi số khi mỗi người dân đều có điện thoại thông minh và mỗi gia đình đều có một đường cáp quang internet kết nối mọi nơi, mọi lúc…
Chuyển đổi số đang làm thay đổi một vùng quê tuyệt đẹp
Mải suy nghĩ, con tàu đã đi hết hành trình trên hồ thủy điện đến vùng tiếp giáp giữa hai huyện Na Hang và Lâm Bình. Tôi lan man nghĩ về sự trỗi dậy của con sông Gâm hiền hòa xưa, nay đã vươn mình trở thành to lớn tích nước làm thủy điện đồng thời đem đến cả sự đổi thay cho cả một vùng rừng núi rộng lớn.
Trong hành trình du ngoạn ngắm núi, ngắm rừng xanh ngút mắt và thưởng thức những món ăn đặc sản của núi rừng này, ai cũng đang thỏa sức tận hưởng cái không khí thần tiên giữa cảnh hồ nước mênh mông và trong lành. Nhiều người tranh thủ để lưu giữ những khoảnh khắc tuyệt vời vào máy ảnh, điện thoại thông minh.
Bác lái tàu Nông Văn Bộp từ nãy giờ chăm chú vào tay lái cũng quay sang bắt chuyện:
- Đúng là chuyển đổi số giúp lao động của chúng tôi cũng đỡ tốn sức lực và hiệu quả hơn trước đây nhiều. Tôi nghĩ lại rồi, hóa ra cái số mình nó cũng đã thay đổi nhiều so với trước đây anh ạ. Du khách về đây nhiều cũng là từ thông tin được lan tỏa kết nối khắp nơi.
Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng khi tàu cập bến Na Hang. Trên bến, tôi đã nhìn thấy những con tàu du lịch đang được đóng mới. Nhìn bề ngoài to hơn, đẹp hơn, sức chứa nhiều hơn… tôi nghĩ sẽ an toàn hơn và sang trọng hơn so với những con tàu nhỏ đang có. Những con tàu của tương lai sẽ là những con tàu du lịch hiện đại và kết nối vạn vật, những con tàu của thời kỳ mới, thời kỳ chuyển đổi số. Điều quan trọng hơn cả là trên những con tàu ấy luôn có những người nông dân hiểu biết và biết chớp thời cơ để phát triển kinh tế số.