Bà Chẩu Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, hiện nay, xã có 839 hộ, 3.868 nhân khẩu, sinh sống ở 10 thôn, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 99,8%. Xác định thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chính quyền, Ủy ban MTTQ xã đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chủ động hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân góp phần giữ vững an ninh trật tự, khơi dậy và thắt chặt tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc; bảo tồn văn hóa đặc trưng, trang phục truyền thống của từng dân tộc.
Xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, tầm quan trọng và các tiêu chí công nhận gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa thông qua nhiều hình thức, như: Hệ thống loa phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu, lồng ghép vào các buổi họp thôn... Quá trình thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình người tốt, việc tốt, nhiều gia đình đã hiến đất để xây dựng nhà văn hóa, làm đường...
Bên cạnh đó, trong bình xét danh hiệu “Gia đình văn hóa”, xã đã chủ động cụ thể hóa, cũng như quy định rõ những tiêu chí vi phạm không được xét làm căn cứ để công tác bình xét được rõ ràng. Đến nay, số gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa toàn xã chiếm 86,1%, khu dân cư văn hóa chiếm 83,33%; xã duy trì hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình…
Người dân xã Khuôn Hà tham gia lớp học mây tre đan.
Chị Chúc Thị Hoa, thôn Nà Hu, thành viên CLB xây dựng gia đình hạnh phúc của xã nói, tham gia CLB các thành viên được trao đổi những kiến thức về nuôi dạy con cái, cách giữ lửa để gia đình luôn hạnh phúc..., đã giúp chị có thêm nhiều kiến thức bổ ích để chăm sóc gia đình được tốt hơn. Ngoài ra, mọi người còn chia sẻ kiến thức trong phát triển kinh tế để đẩy mạnh chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả, đem lại thu nhập khá, ổn định cuộc sống gia đình.
Kà Nò là một trong những “điểm sáng” thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều năm liền thôn được công nhận thôn văn hóa. Trưởng thôn Vi Văn Tiến nói, thôn có 129 hộ, với 99,47% là người dân tộc thiểu số. Để thực hiện tốt phong trào, Ban Công tác Mặt trận, các đoàn thể thôn đã tích cực vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, chú trọng gìn giữ và bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc, tham gia đăng ký danh hiệu Gia đình Văn hóa; xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, thể thao ngay từ cơ sở.
Hiện thôn có 1 đội văn nghệ quần chúng tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ do xã tổ chức. Bà con trong thôn tích cực tham gia các hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh”, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu về nếp ăn, ở, sinh hoạt... nên nhận thức, hành động của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, cổ vũ bà con tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực lao động, sản xuất, vươn lên giảm nghèo bền vững. Hằng năm, số gia đình đạt gia đình văn hóa của thôn đạt trên 90%.
Từ thực hiện phong trào, nhiều nét sinh hoạt văn hóa cổ truyền mang đậm bản sắc dân tộc; phong trào thể dục thể thao được khai thác và phát huy. Việc bảo tồn vốn văn hóa truyền thống như tiếng nói, trang phục dân tộc thiểu số, các đội thể thao, các môn thể thao được xã duy trì thường xuyên. Đến nay, 10 thôn trong xã đều có nhà văn hóa phục vụ nhu cầu giao lưu văn hóa, thể thao. Xã có 11 đội văn nghệ, 21 sân thể thao, 10 đội thể thao cơ sở hoạt động thường xuyên.
Với những kết quả đạt được, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo không khí thi đua sôi nổi ở các thôn trên địa bàn xã. Người dân đã ý thức hơn trong việc thắt chặt tình làng nghĩa xóm, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để chung tay xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Theo Báo Tuyên Quang online