Đời sống cư dân thời đại Đá mới

01/04/2024 - 20:54
684

Bước vào hậu kỳ Đá mới, hầu hết các nhóm di tích ở Tuyên Quang đều phân bố ở những thung lũng lớn hoặc nhỏ, trên các triền sông, suối lớn và ngay ...

Nếu như ở giai đoạn sơ kỳ Đá mới, cư dân cổ Tuyên Quang chủ yếu cư trú trong hang động, thì bước vào giai đoạn hậu kỳ Đá mới, cách ngày nay 4.000 - 5.000 năm, họ đã vươn ra cư trú ngoài trời, mà vết tích văn hóa ở giai đoạn này còn thấy dọc đôi bờ sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy. Mặc dù vậy, người cổ ở hang Thẩm Vài, Phia Muồn vẫn tiếp tục cư trú trong hang mà lớp cư dân trước đó đã từng ở. Có thể nói, trên mọi địa hình, cư dân cổ Tuyên Quang giai đoạn hậu kỳ Đá mới đều có thể cư trú lâu dài được.

Việc phân bố di tích văn hóa Đá mới hậu kỳ ở Tuyên Quang thể hiện tính quy luật rất rõ. Đó là tính đa dạng của con đường Đá mới hóa sau các giai đoạn sơ kỳ và trung kỳ Đá mới. Đá mới hóa là quá trình phát triển văn hóa - văn minh nông nghiệp sớm không chỉ duy nhất có định hướng đồng bằng, mà còn có cả định hướng núi, định hướng thung lũng.

Những dấu hiệu đặc trưng để nhận biết văn hóa của giai đoạn này chính là những công cụ lao động bằng đá được mài nhẵn toàn thân mà các nhà khảo cổ thường gọi là cuốc đá, rìu có vai, rìu tứ giác. Cùng với cuốc, rìu, bôn đá mài toàn thân là những đục đá, vòng trang sức bằng đá và đặc biệt là đồ gốm. Đồ gốm có thể ra đời khá sớm, song chỉ đến giai đoạn này mới được sử dụng rộng rãi.

Các nhà khảo cổ học trong hang Phia Muồn.

Cư trú trên địa bàn vừa có rừng, vừa có sông cùng với dải đất bằng ven sông, nền kinh tế của người hậu kỳ Đá mới mang tính chất hỗn hợp. Họ vẫn duy trì kinh tế khai thác; các hoạt động săn bắn, hái lượm đã đem lại nguồn thức ăn thường xuyên cho cộng đồng.

Sông Lô và sông Gâm cùng các nhánh suối lớn nhỏ của chúng là nguồn dự trữ thức ăn thủy sản dồi dào. Những chì lưới bằng đá tìm thấy ở Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) là những bằng chứng về hoạt động đánh bắt cá trên sông, trên suối đã phát triển.

Điều nổi bật là, đến giai đoạn này, con người không dựa vào kinh tế khai thác tự nhiên như một hoạt động duy nhất nữa, mà họ đã có nền kinh tế sản xuất. Trong những di vật thuộc thời kỳ này, đáng chú ý là bộ nông cụ bằng đá như cuốc có vai và không vai, xẻng (mai đá), các loại rìu và bôn có vai, rìu và bôn tứ giác làm từ các loại đá cứng, hình dáng ổn định, được chế tác tinh xảo, cùng với những công cụ bằng tre, gỗ ở đây đã tham gia vào nền kinh tế sản xuất.

Kinh tế sản xuất của cư dân hậu kỳ Đá mới ở Tuyên Quang có thể được xem là nền kinh tế nông nghiệp thung lũng trước núi và ven sông, suối. Số lượng rất lớn của loại cuốc đá kích thước lớn có chuôi tra cán chứng tỏ đến giai đoạn này, một nền nông nghiệp dùng cuốc đã ra đời. Cùng với các công cụ sản xuất khác như lưỡi bôn, lưỡi rìu đá, cư dân cổ Tuyên Quang thời đại hậu kỳ Đá mới đã phát nương làm rẫy, canh tác nông nghiệp, trồng rau màu và cây ăn quả, cây lấy củ.

Không loại trừ khả năng họ đã biết đến trồng lúa, kể cả lúa nước và lúa nương. Những thung lũng ven sông, ven suối là những mảnh đất màu mỡ, rất thuận lợi cho nông nghiệp nương rẫy.

Những đồ gốm tìm thấy ở nhiều nơi, chứng tỏ cư dân ở đây đã có cuộc sống ổn định, có nền kinh tế đảm bảo. Do sự phát triển của kinh tế sản xuất và định cư làm nông nghiệp nên mật độ dân số tập trung cao hơn, nhất là dọc các triền sông lớn. Tại đây, các cư dân cổ cư trú khá tập trung, cư trú theo từng cụm giống như các làng bản sơ khai. Khảo sát bộ sưu tập đồ đá Hồng Lạc, một vùng đất ven sông Lô, có thể cảm nhận được sự ổn định rất cao của một số loại cuốc, rìu, bôn đá ở khu vực này.

Qua đó, thấy bóng dáng của những vùng dân cư khá tập trung quanh khu vực Hồng Lạc. Con người không còn chủ yếu sống trong các hang động nữa, mà đã làm nhà dù chưa có tư liệu nào để hình dung ngôi nhà của họ ở ven sông, suối, các thung lũng, ven đồi, gần các hang động. Một số nơi, người ta vẫn sống dựa vào hang động như ở Phia Muồn, Thẳm Vài. Có thể những hình thức tập hợp dân cư ban đầu là vừa theo địa vực vừa theo huyết thống. Ở giai đoạn phát triển, các tổ chức làng bản ở đây rõ ràng là một cấu trúc xã hội dựa trên nền tảng kinh tế đã phát triển và là tổ chức xã hội với mục đích hoạt động kinh tế.

Tại các xóm làng cổ xưa ấy, con người có thể tổ chức tốt hơn các hoạt động kinh tế và xã hội của mình. Các di tích, di vật thuộc thời kỳ này ở Tuyên Quang cho thấy, cư dân cổ ở đây đã có sự phân công lao động mang tính chuyên nghiệp giữa nghề thủ công chế tác đá và làm gốm. Sự phân công lao động ấy được dựa vào nền kinh tế sản xuất nông nghiệp tương đối phát triển và ổn định.

Trong sưu tập đá Hồng Lạc, có hàng trăm chiếc cuốc đá, hàng trăm chiếc rìu, bôn do chính cư dân nơi đây chế tạo, mang phong cách ổn định từ kỹ thuật ghè tạo dáng, mài. Tất cả những điều đó chỉ có thể có được đối với những người định cư lâu dài, nắm chắc kỹ thuật và có bàn tay của thợ chuyên nghiệp. Một sự phân công xã hội mới trong hoạt động thủ công chế tạo đồ đá đã ra đời ở Tuyên Quang từ hàng nghìn năm trước.

Người cổ Tuyên Quang thời này có đời sống tinh thần khá phong phú. Táng thức của họ đã có sự đổi thay so với trước, đã xuất hiện mộ chôn có kè đá xung quanh. Trong mộ đã có chôn kèm theo công cụ lao động và cả đồ trang sức bằng đá. Đã có dấu hiệu của sự phân biệt thân phận xã hội giữa những người chết. Ở ngôi mộ Phia Muồn, chôn theo người chết là một nồi gốm to và hơn 10 di vật đồ đá khác; trong khi ở các ngôi mộ khác, đồ tùy táng chôn theo khá nghèo nàn, chỉ là một hoặc hai di vật đá, thậm chí chỉ là mảnh tước đá, hoặc mảnh gốm nhỏ như các ngôi mộ khác.

Một số di vật khảo cổ được khai quật ở hang Ngườm Hầu, xã Thanh Tương, huyện Na Hang.

Cùng với sự phát triển về sản xuất, cư dân cổ nơi đây có quan hệ giao lưu rộng mở với nhiều vùng, nhiều bộ lạc, kể cả trung du, đồng bằng và ven biển.

Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những chiếc rìu đá tứ giác ở Tuyên Quang giống như rìu trong văn hóa Phùng Nguyên, những con dao đá và bàn đập khắc rãnh ô vuông ở Tuyên Quang giống di vật đồng loại ở Hà Giang. Sự hiện diện của vỏ ốc biển ở Phia Muồn, của chiếc xẻng đá ở Nà Hang và hàng loạt chiếc rìu, bôn có vai, có nấc kiểu Hạ Long cho thấy mối quan hệ của cư dân cổ Tuyên Quang vươn rất xa: Lên phía Bắc với cư dân Nam Trung Quốc và về miền biển phía đông với các cư dân văn hóa Hạ Long.

Trong các ngả đường giao lưu đó, vai trò của sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy,... là hết sức to lớn. Có thể nói đó là những dòng sông kết nối văn hóa.

Vào thời kỳ này, sự đi lại ngược xuôi trên các dòng sông đã khá nhộn nhịp. Người ta trao đổi những sản vật của tự nhiên do săn bắt được, những sản phẩm làm ra từ kinh tế sản xuất, chúng trở thành vật phẩm để trao đổi. Chính nhờ vào các dòng sông đó mà Tuyên Quang dù là vùng đất cao, dù xa các trung tâm văn hóa đồng bằng đương thời, nhưng sớm có điều kiện tiếp cận và đẩy nhanh hơn quá trình phát triển văn hóa của mình.

Sự phát triển kinh tế - xã hội đã làm cho cộng đồng các bộ lạc ở đây mạnh lên. Đó chính là tiền đề quan trọng để họ cùng cư dân đương thời ở các vùng xung quanh, đóng góp vào sự hòa hợp và thống nhất văn hóa dân tộc thời các Vua Hùng sau này.

(Theo Địa chí Tuyên Quang)

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Bà Âu Thị Mai - Giám đốc sở
Trụ sở: Số 157, đường 17/8, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 822 683; Email: vanhoattdl@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp trên mạng số 85/GP-TTĐT do Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 14/10/2021

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang