Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang
Phóng viên: Sáng nay (27/11), Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Đây là Chương trình có quy mô rất lớn được cho là sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn về nguồn lực để phát triển văn hóa trong giai đoạn tới. Quan điểm của đại biểu như thế nào?
Đại biểu Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Thực tế những năm qua, việc đầu tư cho phát triển văn hoá còn hạn hẹp, chưa xứng tầm, chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Năm 2019, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thừa nhận rằng mức chi cho văn hoá mới chỉ dừng lại ở 1,71% chi thường xuyên, thấp hơn so với yêu cầu là 1,8% đã được đưa ra từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban chấp hành Trung ương Khoá VIII) từ năm 1998. Rõ ràng, với tỷ lệ ngân sách dành cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước luôn ở mức thấp như vậy, chúng ta không thể có được đầu tư bài bản, đồng bộ về cơ sở vật chất, bảo tồn tối đa các di sản văn hóa hay hỗ trợ các hoạt động nghệ thuật sáng tạo, thu hút cán bộ giỏi cho lĩnh vực này.
Tại nhiều địa phương, văn hóa vẫn là lĩnh vực xếp cuối cùng trong danh sách đầu tư và xếp đầu tiên trong danh sách cắt giảm ngân sách. Điều này cho thấy nhận thức ở các cấp đối với lĩnh vực quan trọng này vẫn còn chưa đầy đủ, sâu sắc. Việc bố trí cán bộ trong lĩnh vực văn hóa cũng chưa phù hợp. Vẫn còn tình trạng cán bộ văn hóa phải kiêm nhiệm nhiều việc hay việc bố trí cán bộ làm văn hóa chưa được đào tạo bài bản, thiếu kinh nghiệm về quản lý văn hóa… Điểm nghẽn về nguồn nhân lực cũng là bài toán mà chúng ta phải xử lý.
Đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 tại Kỳ họp thứ 8
Tóm lại, mặc dù văn hóa là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, là động lực nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội, nhưng những năm qua, nguồn lực dành cho lĩnh vực văn hóa cả ở con người, tài chính và cơ sở vật chất đều không đảm bảo theo quy định và đúng như kỳ vọng. Qua thực tiễn ở địa phương, tôi nhận thấy rất rõ nhu cầu về việc tăng cường các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn hiện nay.
Việc Quốc hội thông qua một Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa mang tính tổng thể tại Kỳ họp này, tôi cho rằng là một giải pháp thực sự cần thiết và toàn diện để khắc phục các điểm nghẽn về nguồn lực mà lĩnh vực văn hóa hiện nay đang gặp phải. Với tổng kinh phí thực hiện Chương trình rất lớn cho giai đoạn 2025-2030, gồm nguồn vốn ngân sách trung ương (63%), ngân sách địa phương (24,6%) và cả nguồn vốn xã hội hóa hợp pháp khác (12,4%), tôi cho rằng, nguồn lực dành cho văn hóa, thực hiện các mục tiêu đề ra sẽ được đảm bảo ổn định. Trong quá trình điều hành, Chính phủ cũng được giao cân đối ngân sách Trung ương để ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình phù hợp với điều kiện thực tế và có giải pháp huy động phối hợp mọi nguồn vốn hợp pháp để thực hiện.
Chủ chương đầu tư Chương trình cũng đã được Quốc hội xem xét, đánh giá một cách kỹ lưỡng để xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu và nội dung của Chương trình qua 2 kỳ họp (cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV). Tôi tin rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này sẽ là một tin rất vui, đáp ứng kỳ vọng của đông đảo cử tri và nhân dân, nhất là đối với những người làm công tác văn hoá.
Phóng viên: Với một Chương trình lớn như vậy, theo đại biểu cơ chế quản lý, điều hành Chương trình cần đảm bảo yêu cầu thế nào?
Đại biểu Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Về cơ bản, tôi thấy rằng, cơ chế quản lý của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đã được thiết kế phù hợp với cơ chế quản lý của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đang thực hiện và rút kinh nghiệm từ những bài học thực tiễn mà Đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra; đảm bảo theo nguyên tắc thu hẹp đầu mối quản lý, hướng dẫn, triển khai thực hiện Chương trình; rõ ràng nhiệm vụ, không trùng lặp, chồng chéo.
Đại biểu Âu Thị Mai tin tưởng, với tổng mức đầu tư tương xứng cùng các chính sách, cơ chế phù hợp, Chương trình sẽ tháo gỡ được điểm nghẽn về nguồn lực để văn hóa thực sự phát triển
Theo Nghị quyết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu trình Chính phủ (hoặc Thủ tướng Chính phủ) ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp hướng dẫn chung việc thực hiện Chương trình (không giao cho từng bộ, ngành ban hành văn bản riêng). Tôi cho rằng, việc ban hành văn bản hướng dẫn chung như vậy là cần thiết, hợp lý, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Quan điểm chung của Đảng, Nhà nước là phân cấp tối đa, triệt để cho địa phương thực hiện. Do vậy trong quá trình thực hiện điều hành, Chính phủ nên chỉ đạo thực hiện đúng nguyên tắc này.
Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì khi Chương trình này được triển khai trong thực tiễn? Làm sao để Chương trình này được triển khai đảm bảo hiệu quả và thành công thưa đại biểu?
Đại biểu Âu Thị Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang: Tôi kỳ vọng rằng, khi có được một nguồn lực đầy đủ từ Chương trình, với những đầu tư mang tính trọng tâm, trọng điểm, mang tính định hướng, khơi nguồn các đầu tư xã hội cho văn hóa, chúng ta sẽ đạt các những kết quả tương xứng với mức đầu tư, sớm hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra: “Gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao mức sống nhân dân. Xây dựng, phát huy yếu tố văn hoá để thực sự là đột phá phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế”.
Tôi cũng kỳ vọng, Chương trình phải thực sự tạo được bước chuyển trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới, khắc phục được những hạn chế, yếu kém đang còn tồn tại. Các lĩnh vực cần được hỗ trợ như công nghiệp văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành văn hóa; phát triển văn học nghệ thuật; thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong văn hóa nghệ thuật… sẽ được gỡ khó và tạo đà phát triển thực sự bền vững.
Để thực hiện thành công Chương trình, tôi cho rằng, Chính phủ cần lưu ý phát huy tối đa những bài học kinh nghiệm đã có qua thực tiễn xây dựng và vận hành, giám sát các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian vừa qua để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 thực sự thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, cần phải đảm bảo nguồn lực tài chính được sử dụng một cách hiệu quả và có ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm. Cùng với đó, tạo ra các cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa đầu tư thực hiện Chương trình. Ngành văn hóa rất cần nguồn lực tư nhân nên cần tập trung một số giải pháp để kêu gọi liên doanh, liên kết hiệu quả thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, phí, thủ tục đầu tư…
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Theo quochoi.vn