Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai đề xuất nhiều giải pháp phát triển văn hóa

02/06/2023 - 22:11
58

Sáng 1-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước ...

Đại biểu nhấn mạnh, sau hơn một năm cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lĩnh vực văn hóa đã đạt một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực văn hóa còn nhiều khó khăn, bất cập: Ngân sách đầu tư cho văn hóa chưa đảm bảo; nhiều đề án, chương trình, kế hoạch được ban hành nhưng việc bố trí kinh phí thực hiện chưa đáp ứng được mục tiêu đề ra; việc đầu tư cơ sở vật chất văn hóa chưa được quan tâm đúng mức; chế độ chính sách đối với “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” còn nhiều bất cập…

Đại biểu Âu Thị Mai phát biểu thảo luận.

Đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa; chính sách thúc đẩy phát triển tài năng, tinh hoa trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nhân lực của ngành văn hóa ...

Cùng với đó, kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; tăng mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, cần có quy định cụ thể về mức đầu tư tối thiểu cho văn hóa từ ngân sách nhà nước bằng nghị quyết để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương làm cơ sở phân bổ ngân sách nhà nước từng năm và giai đoạn.

Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 ban hành kèm thao Quyết định số 515 ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Về chính sách đối với nghệ nhân, đại biểu cho biết: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109 ngày 28/10/2015 về việc hỗ trợ đối với “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, tuy nhiên đối tượng được thụ hưởng chính sách rất hẹp, chỉ áp đối với nghệ nhân thuộc gia đình có thu nhập thấp, bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở; người đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ và 60 tuổi trở lên đối với nam không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; người khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục Bộ Y tế quy định, kinh phí hỗ trợ được chia theo 3 mức là 1 triệu đồng, 850.000 đồng, 700.000 đồng/tháng.

Theo thống kê, cả nước hiện có 1.750 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, nhưng rất ít nghệ nhân được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định. Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 theo hướng các nghệ nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú” đều được hưởng chính sách hỗ trợ hằng tháng với mức hỗ trợ ít nhất bằng một tháng lương cơ sở.

Theo Báo Tuyên Quang

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Bà Âu Thị Mai - Giám đốc sở
Trụ sở: Số 157, đường 17/8, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 822 683; Email: vanhoattdl@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp trên mạng số 85/GP-TTĐT do Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 14/10/2021

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang