Các tộc người cổ Tuyên Quang thời đại Kim khí

15/05/2024 - 21:01
910

Bước vào thời đại Kim khí, cư dân cổ Tuyên Quang cùng với các cư dân vùng đồng bằng bước vào thời kỳ hình thành nhà nước sơ khai, song ở khu vực này ...

Cũng như các vùng khác ở miền núi phía bắc, cư dân cổ Tuyên Quang thường tận dụng các nguồn lợi sẵn có trong tự nhiên nơi mình cư trú. Bên cạnh việc trồng trọt, nền kinh tế tự nhiên dựa trên cơ sở săn bắn, hái lượm vẫn giữ vai trò rất quan trọng, không thể thiếu đối với cuộc sống hằng ngày, đặc biệt vào những lúc thời tiết không thuận cho sản xuất nông nghiệp.

Hái lượm trong thời đại Kim khí vẫn có vai trò quan trọng trong đời sống. Tàn dư của kinh tế hái lượm, săn bắt còn tồn tại, thậm chí đến tận ngày nay trong một số nhóm đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và biến thành nghề phụ của người dân trong nền kinh tế hàng hóa.

Qua sưu tập vũ khí các loại tìm được ở Tuyên Quang, có cả vũ khí đánh xa (mũi tên, lao...), vũ khí đánh gần (dao găm, giáo, rìu chiến...), có thể khẳng định ngoài việc dùng trong chiến trận, nhiều vũ khí đã được dùng để săn bắn. Ngay cả hình tượng chó săn hươu trên chiếc rìu đồng cũng đã phản ánh rõ việc săn bắn được người cổ Tuyên Quang coi trọng ra sao.

Dao găm, giáo ngoài việc dùng trong chiến trận, nhiều vũ khí đã được dùng để săn bắn.

Việc đánh bắt cá và các loài thủy sinh cũng có vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân cổ Tuyên Quang. Dấu tích của 3 làng cổ: Bình Ca, Bãi Soi, Thiện Kế đều ở sông, suối. Chắc chắn cư dân thời đại Kim khí đã dùng nhiều phương pháp đánh bắt trên các sông, suối quanh khu cư trú của họ. Sách Lĩnh Nam trích quái có chép rằng hồi quốc sơ “dân sống ở chân núi, thấy chỗ nước cạn có nhiều cá tôm bèn bắt mà ăn”. Hiện nay, đồng bào miền núi vẫn còn giữ lại nhiều phương pháp đánh bắt cá, từ hàng nghìn năm trước. Việc tìm thấy lưỡi câu bằng đồng thau và chì lưới bằng gốm ở Chiêm Hóa chứng tỏ cư dân thời Kim khí ở đây đã thành thạo việc câu cá và đánh bắt cá bằng lưới.

Cư dân thời Kim khí ở Tuyên Quang đã trồng lúa là nguồn lương thực chính. Các hoa văn hình bông lúa trên trống đồng Tuyên Quang chứng tỏ đã có cư dân nông nghiệp cổ ở đây.

Theo tài liệu của ngành địa chất thì ở vùng núi Tuyên Quang cũng đã có mỏ nguyên liệu dành cho việc đúc đồng từ rất sớm. Sống trên mảnh đất có tiềm năng về khoáng sản, chắc chắn rằng người của thời Hùng Vương ở Tuyên Quang có điều kiện thuận lợi để phát triển nghề khai thác mỏ và luyện kim. Công việc khai mỏ, luyện kim, đúc đồng đòi hỏi phải có trình độ tổ chức và kỹ thuật cao, nhất là đối với những hiện vật phức tạp như đúc trống đồng. Với một trình độ phát triển kỹ thuật và tổ chức như vậy chắc hẳn nghề luyện kim lúc bấy giờ đã trở thành một ngành sản xuất độc lập, tách ra khỏi nông nghiệp. Khi nghề luyện đồng thau đạt tới đỉnh cao thì nghề luyện sắt cũng ra đời và ngày càng hoàn thiện.

Bên cạnh nguồn tài nguyên mỏ, còn tìm được bằng chứng trực tiếp nghề luyện kim của người Tuyên Quang, đó là việc tìm được khuôn đúc rìu đồng ở Hồng Lạc, Sơn Dương. Mặt khác, sưu tập hàng trăm hiện vật đồng thau đủ loại cũng là minh chứng cho nghề luyện kim, đúc đồng của người Tuyên Quang xưa.

Ngoài nghề luyện kim, các ngành nghề thủ công khác như làm gốm, đồ gỗ, dệt, đan lát, làm đồ trang sức,... cũng khá phát triển.

Đồ gốm thời đại hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí được tìm thấy được trưng bày tại Bảo Tàng tỉnh Tuyên Quang.

Bước sang thời đại Kim khí, những điểm cư trú của người Tuyên Quang thời cổ thường được cụm lại ở cửa các con ngòi, con suối, nơi đổ ra các sông lớn như sông Lô, sông Gâm, sông Năng và sông Phó Đáy.

Với tư liệu hiện có, có thể thấy dấu tích cư trú của cư dân thời Vua Hùng đã hiện diện tại ba làng cổ: Bình Ca, Bãi Soi và Thiện Kế. Cả ba làng cổ này đều thuộc văn hóa thời Tiền Đông Sơn; trong đó, Bình Ca và Bãi Soi là hai làng cổ thuộc buổi đầu của thời đại Kim khí. Làng cổ Thiện Kế thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun, khi cư dân Tuyên Quang đã đúc đồng khá thành thạo.

Chứng tích các làng cổ này với tầng văn hóa rõ rệt cùng với một loạt hiện vật đặc trưng cho cuộc sống hằng ngày của một cư dân định cư lâu dài, cho thấy vùng đất Tuyên Quang đã là nơi có những làng xóm đông đúc, cách nay gần bốn nghìn năm. Cuộc sống định cư, quần tụ thành bản làng và dựa vào nền kinh tế nông nghiệp đã tạo ra những tập tục có tính chất cộng đồng. Nhìn chung, lối sống của cư dân cổ Tuyên Quang thời bấy giờ còn thuần hậu, chất phác. Đó là một xã hội thanh bình và là một xã hội nông nghiệp nguyên sơ, bình lặng.

Qua bộ di vật Đông Sơn, nhất là trống đồng, có thể thấy thời Hùng Vương và An Dương Vương, các tộc người cổ Tuyên Quang đã đoàn kết, cùng chung sức, đồng lòng xây đắp nhà nước sơ khai Văn Lang và Âu Lạc. Họ có những vị thủ lĩnh thực sự sở hữu các trống đồng Đông Sơn. Chính các tộc người của Tuyên Quang đã thành lập một trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang xưa. Bộ này càng ngày càng mạnh, để đến một trăm năm sau trở thành một đơn vị hành chính lớn là huyện Vọng Hải trong thời Hán mà Hậu Hán thư đã ghi lại.

Sự phát triển của nền kinh tế, sự phân công lao động giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp, sự trao đổi sản phẩm và các nguyên liệu giữa các địa phương ngày càng mở rộng dưới thời Hùng Vương đã tạo điều kiện cho việc tăng thêm nguồn của cải xã hội.

Các tài liệu khảo cổ học, đặc biệt là khu mộ táng thời Hùng Vương cho thấy xã hội bấy giờ đã có sự phân hóa thành các tầng lớp giàu nghèo khác nhau. Ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có Tuyên Quang, lúc này đã manh nha tầng lớp quý tộc Đông Sơn trong những điều kiện đặc thù của khu vực miền núi. Có thể đã có những thủ lĩnh vùng được sử dụng trống đồng như vùng Thiện Kế, Nhân Lý, Xuân Vân. Những thủ lĩnh đó có thể nằm trong hệ thống chính trị của Nhà nước Văn Lang, Âu Lạc mà sử sách đã nói đến.

Cùng với những thay đổi về vật chất thì đời sống tinh thần cũng ngày càng phong phú hơn. Cho đến nay, những tư liệu về đời sống tinh thần của cư dân cổ Tuyên Quang trong thời đại Kim khí thu được chưa nhiều. Nhưng qua những tài liệu khảo cổ học đã có cũng như qua tài liệu dân tộc học so sánh, có thể khẳng định rằng vào thời kỳ này, cư dân Tuyên Quang cũng có chung một văn hóa và trình độ kỹ thuật như cư dân sống ở các vùng miền khác trên đất nước ta.

Theo Địa chí Tuyên Quang

bình luận

Tìm kiếm

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH TUYÊN QUANG
Cơ quan chủ quản: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang
Chịu trách nhiệm: Bà Âu Thị Mai - Giám đốc sở
Trụ sở: Số 157, đường 17/8, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 02073 822 683; Email: vanhoattdl@tuyenquang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp trên mạng số 85/GP-TTĐT do Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 14/10/2021

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang