Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) được đầu tư tôn tạo, đáp ứng
nhu cầu tín ngưỡng và khách tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh.
Tiến sỹ Ngô Quốc Đông, Viện nghiên cứu Tôn giáo Việt Nam cho biết, Tuyên Quang có khoảng hơn 30 ngôi chùa, đa phần là chùa cổ có từ thời nhà Lý - Trần. Điều đó khẳng định rằng, Phật giáo hình thành và phát triển khá rực rỡ tại đất Tuyên Quang khoảng 1.000 năm. Trong các ngôi chùa cổ, tiêu biểu phải kể đến chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, thôn Làng Tạc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa). Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc đã được công nhận là Bảo vật quốc gia duy nhất của tỉnh Tuyên Quang, nội dung có ghi chùa được khởi dựng vào cuối mùa xuân của năm Đinh Hợi, niên hiệu Long Phù Nguyên Hóa thời Lý Nhân Tông năm 1107. Văn bia đề cập đến dòng dõi họ Hà, đặc biệt là công đức của Thái phó Hà Hưng Tông trong việc cùng Lý Thường Kiệt đánh quân Tống và sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với đồng bào vùng cao.
Năm 2015, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành thám sát khảo cổ học di tích một ngôi chùa cổ có tên chùa Nhùng trên đỉnh đồi Pù Chùa, thôn Càng Nộc, xã Hòa Phú (Chiêm Hóa). Quá trình thám sát, đã phát hiện được các dấu tích kiến trúc như: Nền kiến trúc, vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc cùng nhiều đồ dùng sinh hoạt, thờ cúng bằng sành, sứ, đồng, đất nung cổ. Qua đánh giá bước đầu, đây là một ngôi chùa cổ có niên đại thời Lý thế kỷ XI - XIII. Từ kết quả thám sát, các chuyên gia khảo cổ học đánh giá chùa Nhùng là một công trình kiến trúc có quy mô lớn, cấu trúc tương đối rõ ràng và hiếm gặp trong hệ thống các kiến trúc cổ ở Việt Nam. Cùng với chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), chùa Nhùng là ngôi chùa thứ hai có kiến trúc thời Lý và có niên đại sớm nhất đã phát hiện ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Theo Đại đức Thích Thanh Phúc, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều ngôi chùa cổ đang được bảo tồn và phát huy tốt như:
Chùa Phật Lâm, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) được xây dựng khoảng từ thế kỷ X - XIV thời Lý - Trần; chùa Phúc Lâm Tự, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) được xây dựng từ thế kỷ XIII - XIV thời nhà Trần; di tích chùa Cao Đá, xã Sơn Nam (Sơn Dương) được xây dựng từ thế kỷ XIII - XIV thời nhà Trần; chùa Đại Bi, xã Xuân Vân (Yên Sơn) được xây dựng thời Lý - Trần; chùa Thiện Kế (Sơn Dương) được xây dựng ở thế kỷ XIII. Ngoài ra hàng loạt ngôi chùa nổi tiếng khác trên địa bàn tỉnh được xây dựng sau đó như: Chùa Hang, An Vinh, Linh Thông, Phổ Linh (TP Tuyên Quang)... Giáo hội Phật giáo tỉnh rất chú trọng công tác tôn tạo, trùng tu, phục chế, bổ nhiệm sư trụ trì các ngôi chùa cổ. Qua đó, tạo điều kiện để các ngôi chùa phát triển, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.
Ngày nay, hệ thống chùa cổ đã tạo ra vẻ kiến trúc Phật giáo “cổ kính” của miền sơn cước, là điểm du lịch độc đáo thu hút du khách thập phương. Bà Nguyễn Thu Lan, thành phố Yên Bái đi dâng hương, vãn cảnh chùa Phật Lâm, xã Nhữ Hán (Yên Sơn) nói, nhiều chùa cổ ở Tuyên Quang rất đẹp, phong cảnh hữu tình, vừa thoáng mát, vừa thanh tịnh. Đây là tiền đề cho tỉnh phát triển du lịch, nhất là mảng du lịch tâm linh. Nếu năm nay đại dịch Covid-19 không bùng phát trở lại, thì lễ hội chùa đầu năm trên địa bàn tỉnh sẽ rất đông vui, nhộn nhịp. Bởi vậy, bảo tồn những ngôi chùa cổ là bảo tồn nét văn hóa, tín ngưỡng, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa và phát triển du lịch ở địa phương.